Thông Tin
Đi Myanmar Nên Biết
Lâu nay đã có rất nhiều chư tăng và cư sĩ người Việt sang thăm Miến Điện (Myanmar), nhưng hầu hết là nhắm đến việc tu thiền, thăm viếng chư tôn túc hoặc tham quan các ngôi đại tự nổi tiếng để cúng dường. Những mục đích đó đương nhiên đều là công đức, nhưng nếu biết thêm tí chuyện thì công đức của chuyến đi sẽ viên mãn và nhiều ý nghĩa hơn.
Người Việt sang Miến Điện có lẽ nên liên lạc với chư tăng bản xứ hoặc nhờ cậy các tăng ni sinh VN đang tu học tại đây để đích thân đến thăm vài điểm đến sau đây:
- Những ngôi chùa đang nuôi dạy các vị Sa Di. Họ hiện vẫn chưa là cao tăng nhưng họ là rường cột tương lai của Phật giáo, không riêng gì Miến Điện, và tất cả danh tăng Miến Điện đều có một tuổi thơ giống hệt vậy. Rất nhiều nơi các vị Sa Di phải ngồi bệt dưới sàn nhà để học, không ghế không bàn, thậm chí đèn đóm cũng không đủ sáng và điều kiện sinh hoạt mỗi ngày hoàn toàn là chuyện hên xui, bữa vầy bữa khác.
Họ không xin xỏ, nhưng rõ ràng họ rất cần đến sự hỗ trợ của chúng ta. Xin đừng đợi đến lúc họ nổi tiếng mới tìm đến cúng bái thì hình như đã muộn, và khi ấy các danh tăng cũng không còn cần đến chúng ta nữa.
- Điểm đến thứ hai là các bệnh viện tăng ni vốn luôn thiếu thốn mọi mặt và không một sự hỗ trợ nào của ta là thừa. Có thể nói tất cả tăng ni đang nằm chữa bệnh tại đây đều là vô danh, bởi các vị danh tăng thì đều có thí chủ hộ trì trong điều kiện tốt hơn nhiều. Lúc khỏe, tăng ni vô danh đã khổ, nay bệnh hoạn càng khổ hơn. Một chén cháo sáng hay ly nước buổi chiều cho họ là cả một công đức lớn.
- Đối tượng thứ ba là các tu nữ Miến Điện vốn không được lưu tâm nhiều lắm. Mang thân nữ, nhưng họ vẫn là người xuất gia, có giới có văn, và vẫn là một phần sức sống của Phật giáo hôm nay cùng mai sau.
Họ cũng đáng được xem là thầy bạn của cư sĩ, đặc biệt cho hàng phụ nữ với nhau. Thường các Phật tử chỉ nhắm đến chư tăng mà không để ý đến đến các tu nữ. Tăng được giúp mười thì ni chỉ được một, khi nhu cầu sinh hoạt thì ai cũng như ai. Ai là phụ nữ xin nghĩ đến một ngày mình cũng đi xuất gia trong hoàn cảnh đáng buồn ấy xem sao. Thương người cũng chính là thương mình vậy.
Ta có nhiều cách để hỗ trợ các đối tượng vừa kể. Mỗi ngày bỏ vào heo đất một đồng mà xem như từng ngày đang nuôi dưỡng sinh mệnh của Phật giáo. Người tu hành nào cũng là hơi thở của Phật giáo. Hỗ trợ người tu hành là tiếp thêm nguồn dưỡng khí ấy.
Đã có lòng thì đều là công đức đáng quý, nhưng để tránh những phiền phức không đáng có, ta có hai cách hành động ổn nhất:
- Trực tiếp liên lạc những người chủ quản đang điều hành các cơ sở, không thông qua trung gian nào hết.
- Cách hai là liên kết một nhóm bạn đạo vừa ý nhất để mỗi năm đích thân sang tận nơi tự tay cúng dường.
Một công đức hoàn hảo là không để lại một sự phiền lòng nào, từ lúc khởi sự đến vài mươi năm sau nhớ lại.
Mong thay!
Toại Khanh
|